Điều kiện thiết yếu thực hiện Chương trình mới

GD&TĐ – Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là một trong những điều kiện thiết yếu thực hiện chương trình GDPT.

Ảnh minh họa

Bộ GD&ĐT đã sớm ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu. Đây là căn cứ để cơ sở giáo dục khi lập kế hoạch mua sắm bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, ưu tiên thiết bị phục vụ các lớp học thực hiện chương trình mới. Bộ GD&ĐT đồng thời quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và xác định nhu cầu mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu theo lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Thời gian qua, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học được địa phương quan tâm. Bằng ngân sách địa phương và từ nguồn xã hội hóa, nhiều trường được trang bị các thiết bị dạy học hiện đại như tivi, máy chiếu, bảng thông minh,… Không ít trường huy động được nguồn lực mua sắm thiết bị để có thể dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp như giải pháp tương hỗ khi dạy học trực tiếp gặp khó khăn. Phong trào tự làm thiết bị dạy học được duy trì thường xuyên, góp phần đáp ứng yêu cầu dạy học.

Tuy nhiên, cho đến nay, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Có địa phương còn chưa tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị dạy học, kinh phí trả lại ngân sách Nhà nước gây lãng phí. Thiết bị dạy học chưa được sử dụng hiệu quả, có tình trạng lưu kho, dạy chay ở một số trường học. Nhiều trang thiết bị dạy học cũ, hỏng nhưng chưa được bổ sung, thay thế kịp thời.

Bên cạnh đó, năng lực khai thác đồ dùng dạy học một bộ phận giáo viên còn hạn chế; thậm chí có giáo viên ngại, lười sử dụng thiết bị, thí nghiệm, thực hành. Hoạt động quản lý trang thiết bị bất cập bởi giáo viên phụ trách thiết bị, phòng bộ môn phần nhiều kiêm nhiệm, nhiều người chưa qua đào tạo chuyên môn…

Ngoài yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh, nền kinh tế, khó khăn trong triển khai đổi mới giáo dục nói chung, về trang thiết bị dạy học nói riêng còn có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có thể nói tới việc đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho GD-ĐT tạo chưa bảo đảm tối thiểu 20% như Nghị quyết 29-NQ/TW, Luật Giáo dục 2019 đề cập.

Phân bổ ngân sách còn bất cập, ngân sách địa phương phân bổ cho hoạt động giáo dục chủ yếu chi lương, thậm chí một số nơi không bảo đảm cơ cấu chi cho giáo dục. Trong khi đó, số trường học nhiều, trải rộng khắp cả nước nên yêu cầu ngân sách đầu tư rất lớn.

Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của GD-ĐT chưa đầy đủ, sâu sắc; việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số nơi chưa quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Công tác xã hội hóa giáo dục còn gặp nhiều khó khăn.

Một trong những giải pháp căn cơ cho hạn chế này là xem xét đưa dự án, nhiệm vụ liên quan đến ngành Giáo dục vào nhóm ưu tiên hàng đầu khi xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ hạn mức kế hoạch vốn. Trong đó, ưu tiên mua sắm trang thiết bị dạy học; cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường học, các công trình phụ trợ thiết yếu phục vụ dạy – học.

GD-ĐT là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, toàn dân. Đổi mới GD-ĐT thành công cần sự vào cuộc, cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; chia sẻ, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Ngành Giáo dục giữ vai trò nòng cốt, nhưng nếu trọng trách lớn lao này chỉ có ngành Giáo dục gánh vác thì chắc chắn sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT sẽ không thành công.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm được rút ra sau 10 năm triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Quán triệt bài học này vô cùng quan trọng để bảo đảm đủ nguồn lực, điều kiện đổi mới giáo dục, trong đó có yếu tố cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Nguồn: Giáo dục & Thời đại