Với sự kết hợp tổ chức giữa Sở GD&ĐT TP.HCM cùng với Công Viên Phần Mềm Quang Trung ( QTSC ), Hội thảo ” Giáo Dục STEM – Từ lớp học đến thực tiễn cuộc sống ” đã được diễn ra thành công với sự tham dự của hơn 300 đại biễu là lãnh đạo các phòng ban giáo dục của quận, huyện ; lãnh đạo các trường điểm tiên tiến, hiện đại, chuẩn quốc gia thuộc bậc THCS và THPT.
Hội thảo giáo dục STEM – Hướng tới mô hình đào tạo giáo dục tương lai
Trình bày tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, nhắc lại về việc áp dụng cách thức đào tạo giáo dục STEM vào cấp bậc trường trung học đã được Sở GD&ĐT TP.HCM ban hành hướng dẫn số 2998/GD-ĐT-GDTrH từ năm 2017-2018. Do đó, hội thảo giáo dục STEM lần này chính là cơ hội để toàn bộ các lãnh đạo của các phòng ban GD&ĐT lẫn lãnh đạo các trường THCS&THPT lắng nghe và chia sẽ những kinh nghiệm về việc áp dụng thực tiễn mô hình STEM vào việc dạy học, rút ra các bài học chuẩn bị cho công tác phát triển đào tạo.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC chia sẻ, đây là Hội thảo về STEM đầu tiên diễn ra tại QTSC – Chúng tôi đề cao các hoạt động áp dụng công nghệ vào việc giảng dạy và đào tạo – Mô hình giáo dục STEM 4.0 thúc đẩy sự năng nổ hoạt động, kích thích sự tò mò về bài học của học sinh. Thông qua hoạt động lần này, QTSC mong muốn thúc đẩy các sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp vào các hoạt động giáo dục STEM, góp phần định hướng nghề nghiệp và nâng cao chất lượng dạy học trong các trường trên địa bàn TPHCM.
Cũng trong hội thảo, buổi lễ ký thỏa thuận hợp tác thúc đẩy phát triển mô hình giáo dục STEM giữa Sở GD&ĐT TP.HCM và QTSC được diễn ra trước sự chứng kiến của hơn 300 đại biểu, lãnh đạo trong ngành giáo dục.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế triển khai mô hình giáo dục STEM 4.0 từ các trường THCS tiên tiến , hiện đại.
Tiên phong áp dụng STEM từ sớm, báo cáo công tác triển khai, nghiên cứu của các trường THCS Nguyễn Chí Thanh (Quận 12), trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 3) và trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (Quận 7) đều cho kết quả khả quan. Tùy vào đặc thù của từng trường sẽ có những lĩnh vực ứng dụng ưu tiên khác nhau. Như tại trường Nguyễn Chí Thanh, chủ đề STEM thiên về Robotic, Sinh học, Phòng thí nghiệm, Trong lớp học và CLB STEM. Trong khi đó, cũng bắt đầu hoạt động giáo dục STEM năm 2017-2018 bằng việc xây dựng Phòng thực hành STEM, đến nay trường Lê Quý Đôn đã thực hiện 3 mô hình theo định hướng giáo dục STEM, và hiện đang trong giai đoạn phát triển, đẩy mạnh hoạt động. Trường Lê Quý Đôn đã xây dựng được đội ngũ giáo viên nồng cốt thực hiện giáo dục STEM, xây dựng chủ đề STEM với nội dung gắn liền thực tiễn, bám sát chương trình của các môn học và liên môn. Còn tại trường Đinh Thiện Lý, học sinh đã được vận dụng để tạo ra các thiết bị cảm biến ứng dụng trong hệ thống báo cháy, thùng rác tự động, hay thiết kế nên những tác phẩm Sách hát, sách nói khơi niềm hứng thú khi đọc sách cho trẻ em…

Là người nghiên cứu kỹ mô hình STEM tại Mỹ, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải (đang giảng dạy tại Đại học Missouri, Hoa Kỳ) cho biết, mục tiêu của giáo dục STEM là phải làm sao để tạo ra và thay đổi phương thức học tập mới để có thể giải quyết được những vấn để trong tương lai. Để người học có tư duy đa ngành, giải quyết đa chiều, giáo dục STEM cần phải có tính tích hợp, phải có sự chuẩn bị lâu dài mới có thể xây dựng được nền tảng cơ sở lý thuyết, cơ sở thực hành và đánh giá hiệu quả.
Trong 10 năm tới nhu cầu về giáo dục STEM sẽ tăng cao theo kịp sự phát triển của CMCN 4.0 và tầm quan trọng của lĩnh vực khoa học công nghệ. Vì vậy TS Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, để khai thác hiệu quả STEM, các trường cần phải có sự chuẩn bị về tư duy, nội dung để học sinh học tập, vận hành, ứng dụng kiến thức vào thực tế. Bên cạnh đó cần lưu ý các kiến thức phải được tích hợp lồng ghép vào các chương trình học ngay từ nhỏ, tạo được sự tưởng tượng, kích thích sự sáng tạo, theo hướng gợi mở phù hợp với tâm sinh lý, sở thích của từng lứa tuổi học sinh. Việt Nam cũng cần sớm có những bộ tiêu chuẩn về tích hợp, để các giáo viên có thể dựa vào bản đồ này làm tham chiếu, biết được sẽ dạy gì, dạy như thế nào và học sinh sẽ được gì khi học điều đó.